All Posts

Bài học cho tâm trí khi chạy chậm

Bài viết được dịch sang tiếng Việt từ bài viết Mind lessons from slow running với sự đồng ý của của tác giả Carolina Perez Sanz. Các bạn có thể đọc bài viết gốc tại địa chỉ sau đây https://carolinaperezsanz.com/2020/08/13/mind-lessons-from-slow-running

Bài học cho tâm trí khi chạy chậm

Running

Khi tôi tìm hiểu về việc chạy ở Zone 2, tôi nghĩ đó là điều gì đó chỉ những người chơi ultra-marathon mới cần thực hiện. Chạy mà lại giữ cho nhịp tim thấp? Điều đó là không thể. Nhưng nó được biết đến là một phương pháp luyện tập với rất nhiều lợi ích: tăng sức bền, giảm chấn thương, giảm cân. Điều đó khiến tôi thực sự muốn thử nghiệm.

Tôi lại là một người hiếu thắng, nếu người khác làm được, tôi phải chứng tỏ rằng tôi cũng làm được.

Ngày đầu tiên thực sự đau đớn: tôi chạy 1 dặm trong 16 phút (pace ~ 10: 00) để giữ cho nhịp tim dưới ngưỡng Zone 2. Thật là xấu hổ khi tôi cần phải mất đến 16 phút để hoàn thằng 1 dặm.

Trong đầu tôi liên tục có những lời nói “Mày có phải là một runner không vậy?” “Nhìn mày kìa! Mày đang lê lết từng bước một và mày nghĩ mày có thể chạy được marathon?” Mỗi lần có một người chạy vượt qua, là một nhát dao đâm ngay vào lòng tự trọng của tôi vậy. Có những người đi bộ thậm chí còn đi nhanh hơn tôi!

Nhưng tôi không bỏ cuộc, sự hiếu thắng chính là năng lượng cho tôi.

Hôm nay, sau năm tháng cố gắng liên tục không ngừng nghỉ, lúc lên lúc xuống, đôi lúc thất bại cũng như thành công, tôi thấy một sự thay đổi lớn. Sự bền bỉ của tôi ngày hôm nay tốt hơn rất nhiều, chân tôi không bị đau sau các buổi chạy dài, và tôi không cần phải dành cả một ngày để hồi phục nữa.

Nhưng quan trọng hơn hết là những bài học về tâm trí mà tôi đã đúc kết được.

Hiện tại (Presence)

Mọi hướng luyện viên đều bảo bạn rằng hãy chạy cây số hiện tại, chứ đừng chạy những cây số ở phía trước. Điều đó đúng cho mọi kiểu chạy, và nó đặc biệt quan trọng với tôi khi tập luyện ở Zone 2.

Tâm lý của tôi muốn tăng tốc để hoàn thành bài tập một cách nhanh nhất có thể. Nhưng để giữ cho nhịp tim thấp, và giảm pace xuống, yêu cầu sự tập trung ở hiện tại với mọi bước chạy. Nó làm tâm trí tôi chậm lại, khiến cho cả năm giác quan của tôi chỉ tập trung vào một thứ - đó là bài chạy .

Phần thưởng thật sự to lớn: Tôi yêu thích mọi thứ tôi làm, và tôi sẽ làm nó tốt hơn, vì tôi làm với toàn bộ tâm trí và sự tập trung của mình.

Và khả năng tập trung ở hiện tại giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của tôi. Đó là khi tôi cần phải giải quyết bất đồng với khách hàng của tôi, hay là như khi tôi lắng nghe một người trong đội nói với tôi điều gì đó quan trọng đối với họ, hay là khi nghe con trai tôi chia sẻ về việc cậu bé cảm thấy mất hứng thú trong việc học ở trường.

Khi tôi hoàn toàn sống ở hiện tại, mọi người cảm thấy được chia sẻ và lắng nghe. Tôi thể hiện sự quan tâm vì tôi quan tâm đến họ. Với tôi, điều này là nền tảng cho việc tin tưởng và thấu hiểu nhau.

Tập trung (Focus)

Tập trung là việc giải phóng tâm trí ra khỏi những việc không cần thiết khi đang làm một công việc cần sự chú ý cao độ.

Khi tôi chạy ở Zone 2, tôi hướng tâm trí vào những yếu tố giúp tôi đạt được mục đích giữ nhịp tim dưới 125 nhịp trên một phút. Tất cả những thứ khác đều không quan trọng. Tôi tập trung vào hơi thở, bước chạy (cadence), dáng chạy. Tôi không quan tâm đến nhiệt độ, quãng đường phía trước, thời gian còn lại, và những runner khác.

Cái tôi của tôi đã biến mất và tôi không còn quan tâm đến người khác (hay chính bản thân tôi) nghĩ gì hay cách tôi chạy có hoàn hảo hay không.

Khả năng tập trung cao độ giúp tôi làm mọi việc với năng suất cao hơn. Tôi hành động thay vì để cho tâm trí mình sao nhãng bởi những thứ không quan trọng.

Tôi lập ra kế hoạch và thực hiện: tôi viết khi đó là thời gian viết bài, tôi gọi điện thoại khi đến thời gian gọi điện thoại.

Tư duy: từ cố định đến phát triển (Mindset: from fixed to growth)

Tôi có thể hoàn thành được điều gì nữa? Tôi có thể đi được bao xa? Tôi sẽ là ai sau khi tôi hoàn thành buổi chạy này, buổi chạy ngày mai và buổi chạy tuần tới? Điều gì sẽ mở ra với tôi khi tôi hoàn thành cuộc đua ultra-marathon?

Liệu còn điều gì là có thể nữa không?

Sự tò mò về bản thân trái ngược hoàn toàn với tư duy ngờ vực mà tôi có trước khi tôi tập chạy Zone 2. Tôi không còn chỉ trích các bài chạy cũng như khả năng và phong độ của mình nữa.

Thay vào đó, tôi tò mò về bản thân và tâm trí của mình: đâu là giới hạn của tôi hôm nay? Đâu là giới hạn của tôi ngày tới, tuần tới, năm tới?

Bây giờ tôi biết rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì nếu tôi đặt toàn tâm toàn ý vào nó. Tôi biết rằng kỹ năng tôi có hôm nay không dự đoán được khả năng trong tương lai của tôi vì tôi có thể học hỏi. Tôi biết rằng tương lai của tôi sẽ không bị bó buộc vào việc tôi là ai vào ngày hôm nay, vì tôi luôn có thể thay đổi - nếu tôi muốn.

Bạn là ai ngày hôm nay? Bạn muốn trở thành ai vào ngày mai? Giới hạn hôm nay của bạn là gì? Bạn muốn điều gì vào ngày mai?

Published Aug 17, 2020

⬅️ All posts📝 Edit this post on GitHub

Creator of Jest Preview. Open source enthusiast, lifelong learner.

Hung.Dev